TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Người Bạn Bên Kia Sông.


Tác giả: Thanh Huyển
Thể loại: Truyện ký


T
ôi và Trương Kỳ Hùng quen nhau năm Đệ Tam A4 trường Trung học Công lập Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc niên khóa 1969 – 1970 khi cả hai cùng chọn Ban A. Vào thời chúng tôi học, nam sinh theo Ban A coi như bị lép vế và đặc biệt càng bị “quê” hơn khi mỗi lần gặp ánh mắt dè bĩu của các cô nàng thì lòng tự ái càng cao hơn. Tuy nhiên đối với chúng tôi, việc chọn Ban A, B hay C không thành vấn đề miễn sao Ban mình chọn thích hợp với mình là đủ. Điều này đã chứng minh ở Hùng. Hùng học toán rất cừ nhưng lại thích chọn Ban A.
Lớp chúng tôi có 40 đứa và đúng như giáo sư hướng dẫn Lương Hòa Tuấn đã đặt cho lớp A4 chúng tôi là Đệ Tam thập cẩm. Đúng vậy, trong số 40 đứa thì chỉ có 8 đứa là học sinh chính gốc Thủ Khoa Nghĩa, số còn lại gồm học sinh các trường: Bán công Nguyễn Hữu Cảnh, Tư thục Hòa Bình, trường Công lập Tân Châu, An Phú và Tịnh Biên được trúng tuyển ở kỳ thi chuyển cấp, trong đó có Hùng.
Nhà Hùng thuộc xã Hòa Lạc phía bên kia bờ sông Hậu với những cánh đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay, có những địa danh đi vào lịch sử như kinh Thần Nông, chợ Bà Đầm, kinh Hòa Bình, là một trong những xã trù phú nằm đầu nguồn sông Hậu chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Châu Đốc khoảng 6 km đường chim bay. Cũng như các xã khác thuộc quận Châu Phú, Tân Châu và An Phú, xã Hòa Lạc có đến 80% dân số theo Đạo Phật Giáo Hòa Hảo và gia đình Hùng cũng là những tín đồ thuần thành và cha Hùng là một chiến sĩ Bảo An đã từng chiến đấu trong binh đoàn Nguyễn Trung Trực vào đầu thập niên 1950. Bước đầu chúng tôi chỉ biết và quen nhau vì cùng chung một lớp nhưng dần dà hai chúng tôi có những điểm tương đồng nên từ quen đi dần đến thân rồi chí thân ở hai năm Đệ Tam và Đệ Nhị (lớp 10 và 11).
Năm Đệ Tam là năm học thoải mái nhứt của chương trình trung học, do đó chúng tôi có nhiều thời gian ngao du vào mỗi cuối tuần. Nếu ở trường, Hùng là một học sinh giỏi về môn Toán và Lý thì ở quê vào những ngày Chủ Nhựt, Hùng là một tay cừ khôi vể bắn chim và bắt cá. Có thể nói, không một chú chim nào thoát khỏi khi Hùng nhắm bắn và không lần nào giỏ cá lại lưng khi hai đứa đi chum đìa bắt cá.
Với những món ăn bình dị từ ruộng đồng, chúng tôi đã được thưởng thức tài nấu nướng của mẹ Hùng từ những món cá rô kho tiêu, canh chua cá lóc nấu với me và bông điên điển, chuột đồng xào măng, lá lóc nướng trui, cá trạch kho nghệ... Có thể nói hương đồng cỏ nội của xã Hòa Lạc đã gắn liền với hai chúng tôi vào những ngày cuối tuần.
Hùng có người chị tên Kỳ Anh lớn hơn chúng tôi khoảng 5, 6 tuổi nhưng có chồng rất sớm vì ảnh hưởng phong tục tập quán của miền quê từ lâu đời nên sau khi học xong lớp Nhứt (lớp 5) vài năm sau là chị có gia đình. Lúc chúng tôi quen nhau thì chị Kỳ Anh đã có con. Cha Hùng, ông Trương Văn Kỳ được láng giềng thân thương gọi là Chú Năm kỳ, đang làm việc tại Ủy ban Hành chánh xã Hòa Lạc. Ông rất được người dân địa phương mến mộ. Chính đức tính thanh liêm và một lòng phục vụ nhân dân địa phương mà trong đợt bầu cử Hội Đồng Nhân Dân Xã vào năm 1971 ông được số phiếu tính nhiệm cao nhứt và được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Xã Hòa Lạc. Rồi thời gian trôi nhanh với biết bao kỷ niệm vui buồn của hai đứa, năm Đệ Tam kết thúc cùng lúc tôi và Hùng tiễn biệt niềm vui để bắt đầu lao vào những trang sách của năm Đệ Nhị, đây là năm học rất quan trọng của ngưỡng cửa học sinh vì cuối năm chúng tôi phải thi Tú Tài I và nếu chẳng may bị trượt thì Đồng Đế sẽ đón chúng tôi trong “sáu tháng quân trường”. Chúng tôi không ai nói ra nhưng trong thâm tâm chúng tôi đã ngầm nói lên điều đó.
Năm học 1970 – 1971 được khai giảng với những gương mặt thân quen. Chúng tôi lại gặp nhau ở năm Đệ Nhị. Khác hẳn với năm Đệ Tam, thời gian đối với chúng tôi lúc nầy khá căng thẳng; chúng tôi phải thường xuyên làm bài, học thêm nên ít có dịp về quê Hùng vào dịp cuối tuần để được thưởng thức những món ăn bình dị. Những lần về quê vội vã nhìn lại cảnh cũ, những nơi mà dấu chân hai đứa đã in đậm trong những lần chum đìa, bắn chim mà nghe lòng xao xuyến lạ thường. Chú Năm Kỳ vẫn ngày hai buổi đến Ủy Ban Hành Chánh Xã, mẹ Hùng vẫn làm tròn bổn phận người vợ đảm đang, người mẹ trung hậu, chị Kỳ Anh vẫn một nắng hai sương lo cho chồng và thay chồng chăm sóc con thơ sắp cắp sách đến trường.
Sau nhiều tháng miệt mài nơi những trang sách dầy cộm, cuối năm học 1971, hai thằng có mặt tại Hội Đồng Thi Long Xuyên để tham dự kỳ thi Tú Tài I. Nỗi hồi hộp và lo âu hiện rõ trên khuôn mặt của hai đứa và nhứt là những ánh mắt kỳ vọng của những người thân hai gia đình. Hơn hai tuần chúng tôi nôn nao chờ đợi, riêng tôi có những đêm thức trắng, không biết tương lai rồi sẽ ra sao nếu chẳng may bị trượt. Riêng Hùng rất chủ quan, vẫn vui vẻ hồn nhiên và nhứt là tự tin, vẫn ngày hai buổi phụ giúp gia đình trong công việc đồng áng và hăng say quán xuyến gia đình thay Chú Năm Kỳ đang bận rộn với biết bao công việc nơi Ủy Ban Hành Chánh Xã Hòa Lạc. Rồi niềm vui lại đến, cả hai đứa cùng vỡ òa trong hạnh phúc, trong niềm tự hào của gia đình, cả hai chúng tôi đều “đậu”. Đây là kết quả mà chúng tôi hằng mong đợi trong suốt những tháng đầu vùi đầu vào những trang sách. Trong số 18 đứa lớp Đệ Nhị A4 thi đậu, Hùng là người đậu cao nhứt với hạng Bình, 3 đứa Bình Thứ và 14 đứa hạng Thứ trong đó có tôi. Vào thời thập niên 1970, học sinh thi đậu Tú Tài coi như “ngon” lắm rồi, huống chi hai chúng tôi là học trò quê thì niềm tự hào càng cao biết chừng nào. Người hãnh diện và vui mừng nhứt chắc chắn là Chú Năm vì sau đó nhà Hùng đã mở tiệc ăn mừng với sự tham dự của trên 200 người thân quen và họ hàng. Hai chúng tôi được xem như thần tượng buổi liên hoan đó.
Thấm thoát 3 tháng hè trôi qua, tôi và Hùng trở lại mái trường xưa. Đầu năm học lớp Đệ Nhứt (lớp 12), hai chúng tôi gần như bị lạc long. Những không khí vui nhộn của ngày khai trường như có một cái gì biến mất. Đâu đây, bạn bè giờ đã đến tuổi trưởng thành và chúng tôi như sắp tung bay đi 4 phương trời. Trần Văn Phương và Đỗ Thế Vinh không tiếp tục học Đệ Nhứt mà thi vào trường Sư Phạm Vĩnh Long và đã trúng tuyển. Nguyễn Thành Đô, Trần Văn Sử, La Bửu Lân tình nguyện vào trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế để theo tiếng gọi non song, vài người bạn lớp 11 chẳng may trượt Tú Tài I, có đứa đi Quân Cảnh, có đứa vào Địa Phương Quân, còn vài thằng đi khắp bốn phương trời vô định. Năm lớp Đệ Nhứt là năm bắt đầu của sự chia lìa, là năm bắt đầu cuộc sống mới đối với những thư sinh chúng tôi. Ngoài kia chiến trường khốc liệt và tuổi học sinh của tôi và Hùng đếm từng ngày qua từng trang sách và tiếng súng nổ.
Xuân Nhâm Tý lại đến, không khí tất bật và nhộn nhịp của những ngày đầu xuân làm mọi người hân hoan và dường như tất cả đều trút đi gánh nặng của những ngày cơm áo gạo tiền, những ngày súng nổ vang rền bên những chết chóc và chia lìa của thời chinh chiến. Tôi và Hùng cũng cảm thấy vui lây và đắm chìm trong những ngày hạnh phúc. Chúng tôi lại có dịp chở nhau trên chiếc Honda đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh của quê hương yêu dấu từ chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, Tân Châu quê lụa. Láng Linh, núi Cấm, chùa Hang... Quê mình sao đẹp quá nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả, có còn chăng chỉ là những ước mơ và khao khát. Trong lúc những ngày đầu xuân vẫn còn hiện diện đó đây bên từng ven rẫy, bên từng bờ ruộng nương dâu, không khí trong lành vẫn còn hòa quyện bên cây đa, bến đò, bên dòng sông Hậu hiền hòa thì chính những ngày đầu năm tai ương đã ập xuống gia đình Hùng và chính ngày mùng 4 Tết Nhâm Tý đã là ngày đại tang cho thằng bạn chí thân của tôi. Cha Hùng, Chú Năm Kỳ đã bị Việt cộng phục kích và tử thương trên đường về nhà từ Ủy Ban Hành Chánh Xã Hòa Lạc sau khi dự buổi liên hoan đầu năm. Tôi đã có mặt trong ngày đại tang đó để an ủi, để xoa dịu những gì mà gia đình Hùng phải hứng chịu. Không khí đau buồn của gia đình đã khiến khuôn mặt tuấn tú ngày nào của Hùng giờ đây chỉ còn ánh mắt thất thần và tấm thân tiều tụy. Không ai có thể ngờ được những chuyện xảy ra trước mắt lại là sự thật. Thím Năm Kỳ ngất xỉu nhiều lần và ngồi trơ như người mất hồn. Sự ra đi đột ngột của Chú Năm không những là niềm luyến tiếc của gia đình mà nhân dân xã Hòa Lạc coi như mất một cái gì cao quí. Không khí u buồn bao trùm lên mái nhà thân yêu mà hai đứa coi như chiếc nôi mỗi dịp cuối tuần và những tháng hè. Ôi! Chiến tranh đau thương và tang tóc, không một ai trong chúng tôi cầm được nước mắt.
Sau thời gian nghỉ Tết, tôi trở lại trường để tiếp tục học kỳ 2 của năm Đệ Nhứt. Đã gần cuối tháng Giêng (tháng 1) năm 1972 mà Hùng vẫn không đến lớp, không khí u buồn như linh cảm có gì đó đến với Hùng và gia đình. Cuối tuần tôi chạy vội qua nhà Hùng. Chỉ khoảng 8 km và một bến đò, ấy thế mà tôi tưởng nó dài lê thê và hình như tôi đi hoài vẫn chưa đến. Đến nơi không khí ảm đạm vẫn còn bao trùm ngôi nhà thân yêu của gia đình Hùng. Thím Năm Kỳ ngồi bất động bên bàn thờ khói hương đang nghi ngút. Hùng ngồi chết lặng nơi góc nhà, đôi mắt nhìn xa xăm đang thất thần. Tôi đến bên Hùng đứng đối diện mà cả hai chẳng nói lên lời. Tôi rất tôn trọng sự riêng tư của thằng bạn chí thân trong giờ phút đau buồn này. Hồi lâu, Hùng đứng lên và nhìn thẳng vào mặt tôi, giọng buồn thảm khi nói:
- Ngày mai tao trình diện vào trường Bộ Binh, tao đã suy nghĩ rất kỹ và suốt đêm qua dường như không ngủ để có quyết định này.
- Thím Năm có biết ý định của mày không? Còn chị Kỳ Anh, mày có bàn qua chưa? Đây là việc làm rất quan trọng, mày nên suy nghĩ lại, chỉ còn vài tháng nữa hai đứa thi Tú Tài II, chừng ấy mọi việc sẽ không muộn.
- Tao đã nhứt định rồi, má tao và chị Kỳ Anh không nói gì nhưng tao biết là tất cả tùy tao quyết định. Vả lại tao phải gia nhập vào quân ngũ càng sớm để vong hồn ba tao sớm được siêu thoát. Mày về sớm đi, tao có chút chuyện với gia đình và thu xếp một ít công việc. Ngày mai 8 giờ hai đứa gặp nhau tại quán “Văn Ngàn” uống với mày ly cà phê và ăn tô bún coi như ngày đưa tiễn, mày đồng ý chứ?
Tôi ra về mà long trĩu nặng nỗi đau. Chỉ còn không quá 24 tiếng đồng hồ nữa là tôi phải chia tay thằng bạn chí thân và kể từ đây, coi như đối với Hùng, tuổi thư sinh sẽ gác lại sau lưng nhường bước cho cuộc đời chinh chiến rày đây mai đó mà mạng sống của Hùng chỉ đếm được từng ngày qua những cuộc hành quân với bom gầm đạn thét, với chết chóc, chia lìa và như Hùng đã nói tình nguyện vào quân ngũ để chú Năm sớm được siêu thoát. Riêng tôi thầm hiểu một cái gì đó đã loé lên trong đầu óc của Hùng... trả thù cho Chú Năm để Chú Năm vui lòng yên nghỉ. Hùng ơi, tao chẳng biết phải nói gì đây khi chiến tranh đã gây ra quá nhiều đau khổ! Sáng hôm sau đúng hẹn, tôi “cúp cua” hai giờ toán để tiễn Hùng. Đây là một ngày thật buồn đối với chúng tôi và là ngày đánh dấu sự chia lìa của hai thằng bạn thân. Tiễn Hùng vào phòng Tuyển Mộ Nhập Ngũ Châu Đốc mà tim tôi như đau nhói. Nhìn Hùng thất thểu bước vào trong mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi quay lưng vội vàng để tránh sự chia ly đau buồn.
Thời gian lặng lẽ trôi nhanh, những cánh thư Hùng viết vội vã nơi trường Bộ Binh đã phác họa phần nào cuộc sống nơi quân ngũ. Hùng cho biết, khóa 2/72 của Hùng có rất nhiều người cùng trang lứa và hoàn cảnh như Hùng. “Xếp bút nghiên theo việc đao cung”, mỗi người một hoàn cảnh nhưng mục đích vẫn muốn góp phần nào tuổi trẻ vào cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Tháng 10 năm 1972, Hùng mãn khóa. Nhờ đậu hạng khá cao, Hùng được ưu tiên chọn đơn vị; thế là Hùng chọn về quê nhà tỉnh Châu Đốc. Đây là niềm ước ao mà Hùng đã ôm ấp từ khi bước vào quân ngũ. Bây giờ nét thư sinh ngày nào đã biến mất. Với nước da xạm đen, khuôn mặt tuấn tú đây cương nghị, trước mắt tôi, Hùng là một người lính đúng nghĩa, một sĩ quan trẻ đầy hứa hẹn. Khác hẳn với sự suy đoán của tôi, Hùng không xin vào Trung Tâm Yểm Trợ Tiểu Khu Châu đốc, không xin vào Đại Đội Công Vụ, cũng không xin vào BCH Tiểu Khu mà xin thẳng vào Đại Đội 226 Trinh Sát. Đây là một Đại Đội thiện chiến của Tiểu Khu, những người lính kiêu hùng, con cưng của núi rừng biên trấn. Đại Đội được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Phạm Văn Dẽo, một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, một sĩ quan gan lỳ mà cả 3 cấp Thiếu úy, Trung úy và Đại úy đều thăng đặc cách trong thời gian chưa đầy 24 tháng. Đại Đội đã là hung thần bao phen làm Cộng quân khiếp đảm với các trận đánh thần tốc nơi biên giới từ Khánh An, Khánh Bình của Chi Khu An Phú đến Tân An, Vĩnh Xương của Chi Khu Tân Châu, từ Ba Chúc, Lê Trì của Chi Khu Tri Tôn đến Chiến Khu Dòng Trà Rêu “bên kia biên giới” Miên - Việt. Có thể nói các chiến sĩ thuộc Đại Đội 226 Trinh Sát là khắc tinh của Cộng quân vùng biên trấn.
Cuối tháng 10 Hùng đã có mặt tại đơn vị. Bước đầu Hùng được chỉ định chức vụ khá khiêm nhường tại BCH Đại Đội. Nhiều đêm Hùng tình nguyẹn dẫn bán tiểu đội đi phục kích. Nhiều lần đột kích thành công vào vị trí đóng quân của địch, nhờ đó hóa giải nhiều cuộc tấn công từ phía bên kia biên giới. Nhờ sự gan lỳ và chiến đấu dũng cảm, Chuấn úy Trương Kỳ Hùng dần dà tạo được niềm tin từ cấp chỉ huy. Chỉ hơn 2 tuần sau, Hùng được trao nhiệm vụ Trung Đội Trưởng và kể từ đây Hùng thực sự trưởng thành trong khói lửa. Có thể nói không một cuộc hành quân nào của Đại Đội vắng mặt Hùng. Chuẩn úy Hùng luôn tình nguyện vào những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhứt. Gót giày sô của Hùng đã dẫm nát những địa danh vùng biên giới. Từ những trận đánh Búng Lớn, Nhơn Hội, Bình Di, Bắc Đại, Hùng đã cùng các chiến sĩ Đại Đội 226 viết lên những trang sử oai hùng của vùng biên trấn Tây Nam Tổ Quốc.
Mạc dù Hùng phục vụ tại tỉnh nhà nhưng chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi thì luôn bận rộn với đèn sách và phải chạy đua với áp lực học đường, Hùng thì ngày đêm cùng các chiến sĩ kiêu hùng 226 có mặt khắp các mặt trận để tảo thanh vùng biên giới. Ngày 19/6 kỷ niệm Ngày Quân Lực được tổ chức trọng thể tại BCH Tiểu Khu có hơn 40 chiến sĩ xuất sắc được gắn huy chương và thăng cấp đặc cách do những chiến công anh dũng nơi chiến trường. Hùng đã có mặt trong toán quân kiêu dũng đó và đã được đặc cách thăng cấp Thiếu úy chỉ sau 8 tháng ra trường. Tôi không có mặt trong ngày trọng đại của thằng bạn  thân. Thông qua báo chí, hình ảnh người sĩ quan trẻ kiêu hùng đã làm tôi vô cùng hãnh diện nhưng không sao dấu nổi lo buồn và nếu chẳng may Hùng ra đi vĩnh viễn thì Thím Năm sẽ ra sao? Chị Kỳ Anh như thế nào?
Đầu năm 1974, chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Tình hình chiến sự tại Quân Khu I và II đã đi đến đỉnh điểm. Thông qua tin tức từ báo chí cũng như đài phát thanh, quân đội ta vẫn kiên cường anh dũng chiến đấu trên các mặt trận nhưng với bao khó khăn và thử thách đã ảnh hưởng phần nào đến tinh thần chiến đấu. Tại Tiểu Khu Châu Đốc, lực lượng Cộng quân đã tràn ngập vùng biên giới. Những trận đánh lớn đã nổ ra. Các Tiểu Đoàn 493/ĐP, 449/ĐP, 485/ĐP, 486/ĐP tăng cường sát vùng biên giới. Riêng Đại Đội 226 ngày đêm trung kiên ngăn chặn địch không chút nghỉ ngơi. Đã có hơn 30 chiến sĩ kiêu hùng ngã xuống nơi núi rừng biên trấn. Hùng vẫn hiên ngang chỉ huy Trung Đội trong lằn tên mũi đạn.
Những tháng đầu năm 1975, tình hình chiến sự càng lúc càng bi đát hơn, Qun Khu I và II lần lượt bỏ ngũ, những cuộc rút quân vội vàng của các lực lượng tuyến đầu Tổ Quốc đã kéo theo hàng loạt chết chóc và đau thương. Tại Quân Khu III tình hình chẳng khả quan hơn gì khi mà một số tỉnh đã lần lượt rơi vào tay Cộng quân. Cuộc chiến lúc bấy giờ chỉ đếm từng ngày qua sự hy sinh càng lúc càng cao của các chiến sĩ kiêu hùng trên các mặt trận. Riêng tại tỉnh Châu Đốc, các chiến sĩ của vùng giang sơn biên trấn vẫn ngày đêm giữ từng tấc đất của quê hương với muôn ngàn khó khăn và vất vả. Đại Đội 226 Trinh Sát vẫn giữ phòng tuyến biên giới, Hùng và các đồng đội vẫn ghì chặt tay súng với tinh thần chiến đấu cao độ. Nhưng ngày định mệnh của dân tộc đã đến, 10 giờ sáng ngày 30.4.1975, một ngày đại tang của dân tộc khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng. Đây là một ngày đau buồn và dài nhứt trong cuộc đời binh nghiệp của các chiến sĩ núi rừng biên trấn trong đó có Thiếu úy Trương Kỳ Hùng, con mãnh hổ của Đại Đội 226 Trinh Sát. Không thể đầu hàng Cộng quân, các chiến sĩ kiêu hùng 226 đã rút quân đi sâu vào lãnh thổ Campichia, tiếp tục chiến đấu đến giờ phút thứ 25 của cuộc chiến và Hùng đã mất tích từ ngày ấy, đúng ngày 20 tháng 3 năm Ất Mão.
Đầu năm 1988, trước ngày vượt biên, tôi đến nhà Hùng để từ giã Thím Năm và thắp cho Hùng nén nhanh trước khi từ biệt. Nhìn khuôn mặt tuấn tú đầy cương nghị, gương mặt Hùng càng rạng rỡ hơn với bộ quân phục màu “trây di” kèm 2 bông mai trên hai cổ áo, tôi thấy bùi ngùi làm sao! Đối với Hùng, người bạn chí thân của tôi đã làm tròn bổn phận công dân đối với Tổ Quốc “Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm”, đối với một tín đồ thuần thành PGHH, Hùng đã thực hiện tứ đại trọng ân trong đó có “Ân đất nước’. Riêng tôi rất lấy làm hãnh diện có được thằng bạn đã hy sinh cùng với hằng triệu quân, công, cán chính của miền Nam để bảo vệ miền đất tự do. Đối với Hùng tôi rất nhỏ bé và tầm thường.
Hôm nay ngồi viết lại những dòng này, không biết Hùng có thực sự hy sinh trong những ngày binh lửa và xác Hùng có thực sự nằm tại nơi rừng núi biên giới hay không? Tôi vẫn hy vọng một phép màu nào đó, và Hùng vẫn còn sống và ngày 20/3 hằng năm không phải là ngày giỗ của thằng bạn Trương Kỳ Hùng của tôi. Xin thắp lên nén hương lòng, nguyện cầu những điều lành đến với Thím Năm Kỳ để bù đắp những mất mát đau thương của gia đình người bạn thân thời chinh chiến.

Mùa Đông, Adelaide 2016

Nguyễn Phú Thanh Huyền